Diễn biến Đông Nam hỗ bảo

Sau khi phong trào Nghĩa Hòa Đoàn nổ ra và lan rộng ra các tỉnh phía bắc, Từ Hy Thái hậu tuyên chiến với các nước phương Tây thì các đại thần gồm Tổng đốc Lưỡng Giang Lưu Khôn Nhất, Tổng đốc Hồ Quảng Trương Chi Động, Tổng đốc Lưỡng Quảng Lý Hồng Chương, Tổng đốc Mân Chiết Hứa Ứng Quỳ, Tuần phủ Sơn Đông Viên Thế Khải và đại thần phụ trách đường sắt Thịnh Tuyên Hoài đã cùng nhau bàn bạc về việc bảo vệ các tỉnh khu vực Đông Nam khỏi ảnh hưởng Nghĩa Hoà Đoàn, tránh tạo cớ cho Liên quân tám nước xâm lấn, đồng thời đề ra kế hoạch thành lập nhà nước cộng hòa do Lý Hồng Chương làm tổng thống trong trường hợp liên quân đánh chiếm Bắc Kinh và cả Quang Tự lẫn Từ Hy Thái hậu bị giết nhằm cứu lấy Trung Hoa.

Ngày 21 tháng 6 năm 1900 (Quang Tự năm thứ 26), Từ Hy Thái hậu lấy danh nghĩa Quang Tự đồng loạt tuyên chiến với 11 nước đế quốc Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italia, Nhật Bản, Nga, Áo - Hung, Tây Ban Nha, BỉHà Lan và gửi điện báo cho toàn bộ các tỉnh[2]. Tuy nhiên Thịnh Tuyên Hoài đã giữ lại điện báo chỉ gửi đến các đốc phủ, rồi gửi kèm một điện báo khác đến các phủ yêu cầu không phục tùng mệnh lệnh. Trương Kiển, Triệu Phượng Xương khuyên các tổng đốc Lưu Khôn Nhất, Trương Chi Động, Lý Hồng Chương xướng nghị kháng mệnh, Lý Hồng Chương gửi điện phúc mệnh cho Từ Hy rằng: "Thử loạn mệnh dã, Việt[3] bất phụng chiếu" , cổ vũ các tỉnh Đông Nam kháng lệnh. Với thế cục ngày càng bất lợi cho Từ Hy và Nghĩa Hòa Đoàn, Trương Chi Động đề xuất phương án "Đại tổng thống Lý Hồng Chương" như sau: Một khi Quang Tự cùng Từ Hy khó giữ được tính mạng, các tỉnh Đông Nam lập tức đề cử Lý Hồng Chương trở thành "Tổng thống" Trung Quốc để chủ trì đại cục. Phụ tá của Lý Hồng Chương là Lưu Học Tuân đã gửi điện cho Tôn Trung Sơn: "Phụ tướng[4] nhân việc bạo loạn ở phương Bắc có ý muốn Lưỡng Quảng độc lập, thỉnh túc hạ giúp đỡ, nhanh chóng đến Lưỡng Quảng cùng nhau hành động".

Sau đó, Lưu Khôn Nhất, Trương Chi Động, Lý Hồng Chương, Hứa Ứng Quỳ, Viên Thế Khải, Lưu Thụ Đường, Vương Chi Xuân cùng Đức Thọ cùng nhau liên kết lại, xưng là Đông Nam hỗ bảo (Tương trợ Đông Nam), mặt khác tuần phủ Thiểm Tây Đoan Phương, tổng đốc Tứ Xuyên Khuê Tuấn tuy không tham gia thỏa thuận nhưng ủng hộ việc thi hành. Họ cho rằng chiếu chỉ của hoàng đế là do Nghĩa Hòa Đoàn cưỡng ép triều đình "Kiểu chiếu, loạn mệnh" (Giả mạo chỉ dụ hoàng đế, đó là loạn mệnh). Hai chữ "loạn mệnh" này được Lý Hồng Chương lựa chọn cẩn thận vì ông hiểu rõ rằng một khi xử lý không cẩn thận thì chủ quyền và nền văn minh của Trung Hoa sẽ trở thành cát bụi, vì thế mới phúc mệnh biểu thị thái độ không phục tùng mệnh lệnh. Các tỉnh Đông Nam hưởng ứng việc kháng lệnh ủng hộ Nghĩa Hòa Đoàn với phương châm "Loạn dân không thể dùng, tà thuật không thể tin, quân đội không thể chiến" và "Bất luận tình hình phương Bắc như thế nào cũng yêu cầu liệt quốc không đem quân xâm phạm nội địa Trường Giang; sinh mệnh của nhân dân chính là tài sản quốc gia, phàm nước nào xâm phạm, quyết theo điều ước mà thi hành".

Ngày 26 tháng 6, Lưu Khôn Nhất và Trương Chi Động cử người đến gửi "Thỏa thuận bảo vệ chung Đông Nam" bao gồm 9 điều và "Chương trình bảo vệ Thượng Hải" bao gồm 10 điều đến lãnh sứ quán của các cường quốc tại Thượng Hải với nội dung chủ yếu như sau:

Một, tô giới Thượng Hải do các nước kiểm soát, khu vực Trường Giang - Hàng do các Đốc phủ kiểm soát. Hai bên nước sông không phạm nước giếng, lấy việc đảm bảo thương mại Trung Hoa với ngoại quốc và đời sống của người dân làm mục tiêu chính.

Hai, thiết lập chương trình bảo vệ cộng đồng tại các tô giới ở Thượng Hải.

Ba, sản nghiệp của thương nhân và giáo sĩ các quốc gia ở khu vực - Hàng do Lưu Khôn Nhất và Trương Chi Động bảo vệ, các Đốc phủ yêu cầu quan viên văn võ cam đoan đảm bảo quyền lợi của người dân. Cùng nhau ngăn cấm tin đồn, nghiêm khắc truy bắt đạo tặc.

Bốn, binh lực Trung Hoa tại Trường Giang đảm bảo an ninh tại các địa phương, tàu chiến các nước vẫn được thả neo tại cảng, tuy nhiên không cho phép thủy thủ lên bờ.

Năm, Trung Hoa không chịu trách nhiệm bồi thường đối với những trường hợp các nước tự ý dẫn quân vào nội địa mà không được sự cho phép của các đốc phủ dẫn đến người dân gây ra những thiệt hại về tính mạng và tài sản.

Sáu, các pháo đài ở khu vực Ngô - Tùng bên bờ Trường Giang, tàu chiến các quốc gia không được thả neo gần đó mà phải nhanh chóng đậu ở nơi khác. Thủy thủ trên tàu không được luyện binh ở các pháo đài gần địa phương tránh gây hiểu nhầm.

Bảy, các quốc gia không tiến hành dẫn quân tuần tra và trú đóng tại khu vực chế tạo vũ khí của Thượng Hải. Súng ống đạn dược tại đây này được sử dụng để trấn áp thổ phỉ tại Trường Giang và bảo vệ người dân Trung Hoa và các nước, do đó các nước không cần lo sợ.

Tám, giáo sĩ và công dân nước ngoài đi đến khu vực nội địa, nếu như ở đó chưa thiết lập hệ thống bảo vệ thì không nên mạo hiểm đi vào.

Chín, bất kể là tô giới hay nội địa hết thảy phải thiết lập biện pháp phòng vệ và bình tĩnh thi hành, chớ nên hoảng hốt làm dao động lòng người.

Ngày 30 tháng 6, một chiến hạm Anh quốc tiến vào Hán Khẩu lập tức bị Thịnh Tuyên Hoài cho người giữ lại điều tra. Lãnh sự quán Anh giải thích hành động này không mang mục đích quân sự, đồng thời thông báo cho đô đốc chiến hạm không được tùy tiện xâm nhập Trường Giang. Ngày 4 tháng 7, thủ tướng Anh gửi thông điệp đến đại sứ nhà Thanh ở Anh rằng Anh quốc đánh giá cao nỗ lực gìn giữ hòa bình của các tỉnh Đông Nam, tuy nhiên chính phủ Anh không từ bỏ đặc quyền của mình, do đó triều đình nhà Thanh nên gánh vác nghĩa vụ của chính phủ Anh tại Đông Nam. Ngày 13 tháng 7, lãnh sự quán các nước ở Thượng Hải gửi thông điệp không đồng ý ký vào thỏa thuận do không muốn quyền lợi của mình bị ảnh hưởng.

Trương Chi Động, Lưu Khôn Nhất thông qua Thịnh Tuyên Hoài liên lạc với các đốc phủ Đông Nam gia nhập thỏa thuận. Thịnh Tuyên Hoài gửi điện đến Hứa Ứng Quỳ: "Các tổng đốc Việt - Giang - Ngạc[5] gồm Lý Hồng Chương, Lưu Khôn Nhất và Trương Chi Động đã liên thủ tạo bảo vệ Đông Nam, cùng với người nước ngoài hỗ trợ không xâm phạm lẫn nhau...hải phận Phúc Kiến, Chiết Giang ". Hứa Ứng Quỳ sau đó gửi điện trả lời: "Nơi này đã sớm gặp các lãnh sự quán, đảm nhiệm việc bảo hộ, phù hợp với biện pháp của hai khu Giang - Ngạc. Tuần phủ Chiết Giang Lưu Thụ Đường cũng bày tỏ sự đồng ý với hành động của các đốc phủ, qua đó duyên hải Đông Nam từ Lưỡng Giang kéo xuống Lưỡng Quảng cùng với nội địa Trường Giang hợp thành khu vực bảo vệ rộng lớn. Thịnh sau đó đánh điện hỏi ý Viên Thế Khải, Viên lập tức đồng ý và yêu cầu được thực thi thỏa thuận. Tổng đốc Tứ Xuyên Khuê Tuấn nhận được điện báo cũng gửi điện trả lời tỏ ý ủng hộ. Như vậy thỏa thuận ban đầu đã lan ra toàn bộ Đông Nam, mở rộng đến miền Trung và Tây Nam. Như vậy một nửa giang sơn nhà Thanh đã tham gia thỏa thuận, gọi là Đông Nam hỗ bảo.